LỄ HỘI OBON - NÉT ĐẸP TRONG VĂN HÓA VÀ TRUYỀN THỐNG CỦA NHẬT BẢN - Công ty Funova

LỄ HỘI OBON – NÉT ĐẸP TRONG VĂN HÓA VÀ TRUYỀN THỐNG CỦA NHẬT BẢN

LỄ HỘI OBON LÀ GÌ?

Đối với các bạn đang học tiếng Nhật và tìm hiểu về văn hóa cũng như truyền thống của đất nước xứ Phù Tang, chắc hẳn không còn xa lạ với “Lễ hội Obon” – lễ hội được tổ chức từ hơn 500 năm về trước nhằm tưởng nhớ về ông bà tổ tiên. Obon được cho là có nguồn gốc từ sự kết hợp của văn hóa, tín ngưỡng và Phật giáo Nhật Bản. Lễ hội này cùng với Lễ hội đón năm mới là một trong những sự kiện truyền thống lớn nhất trong năm.

Obon được tổ chức trong 4 ngày, nếu tính theo lịch âm thì Obon thường rơi vào ngày 13/7 đến 16/7, theo lịch dương thì vào giữa tháng 8 đến đầu tháng 9. Vào năm 2022 thì Lễ hội được diễn ra từ ngày 13/8 (Thứ Bảy) đến ngày 16/8 (Thứ Ba).

CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG LỄ OBON

Tùy theo từng địa phương mà phong tục trong lễ hội Obon sẽ khác nhau, vào ngày này mọi người sẽ có một vài hoạt động để chào mừng lễ hội như là viếng thăm mộ tổ tiên, vệ sinh dọn dẹp bàn thờ hay chuẩn bị lồng đèn và khay cúng…, thông thường thì sẽ được tổ chức theo trình tự như sau:

– Ngày đầu tiên: Hoạt động nhóm lửa đón tổ tiên – Mukaebi: Ở Nhật người ta sử dụng cành cây gai Ogara để đốt lửa. Lửa biểu tượng cho phần dương, là nơi soi sáng có khói để linh hồn người đã khuất tìm về với gia đình nhanh nhất trên trần gian.

Mâm cúng được chuẩn bị để chào đón linh hồn tổ tiên, người ta thường trang trí dưa leo và cà tím cắm bằng que tăm hoặc đũa được gọi là “Ngựa linh thiêng”. Dưa leo là ngựa, cà tím là bò, có ý nghĩa là “những người đã khuất sẽ lên ngựa để nhanh chóng trở lại trần gian, sau đó sẽ cưỡi bò để thong thả từ từ quay trở về thế giới bên kia”.

– Hai ngày tiếp theo: Các thành viên trong gia đình sẽ tổ chức đi viếng mộ phần. Chuẩn bị cho ngày quan trọng này, họ sẽ dâng hoa quả và bánh truyền thống để thắp hương tổ tiên của mình với sự biết ơn to lớn. Các thành viên trong gia đình sẽ có thời gian tập trung lại để cùng nhau tưởng nhớ những người đã khuất.

Các gia đình đi viếng thăm lăng mộ ông bà tổ tiên

– Ngày cuối: Đây cũng là ngày cuối cùng trong dịp lễ Obon của Nhật Bản được diễn ra. Sau những công việc chuẩn bị đón rước, đốt lửa soi đường dẫn lối, thắp hương tưởng nhớ tổ tiên, thì trong ngày cuối cùng tổ chức đốt lửa để tạm biệt tổ tiên, ông bà cha mẹ đã khuất.

Đốt lửa “Lửa tiễn đi” để thắp sáng đường tiễn các linh hồn về với thế giới bên kia

Một nét đặc trưng không thể không nhắc đến khi nói về Obon chính là điệu nhảy Bon Odori (盆踊り). Từ xa xưa, người dân cho rằng các điệu nhảy không chỉ để an ủi linh hồn của ông bà tổ tiên, mà còn cầu cho một mùa màng bội thu.

Người dân mặc kimono và yukata đang cùng nhau thể hiện điệu múa Bon Odori

Dưới đây là một vài nét về phong tục trong Lễ Obon ở một vài tỉnh/thành phố:

LỄ HỘI ĐỐT LỬA TRÊN NÚI - "五山送り火" (Gozan Okuribi)

Vào ngày cuối cùng của Lễ Obon, hoạt động “đốt núi” được tổ chức tại 5 ngọn núi xung quanh Kyoto. Mọi người dân cùng khách du lịch từ khắp nơi sẽ tụ tập dọc theo bờ sông Kamogawa và các địa điểm khác (tầng thượng của khách sạn…) để xem lửa được đốt lên từ 5 ngọn núi.

  • Daimoji (大文字), lửa đốt có hình chữ ĐẠI
  • Myō/Hō (妙・法), lửa đốt có hình chữ DIỆU – PHÁP
  • Funagata (舟形), lửa đốt có hình CHIẾC THUYỀN
  • Hidari Daimonji (左大文字), lửa đốt hình chữ ĐẠI
  • Toriigata (鳥居形), lửa đốt có hình cổng TORI
Hoạt động “đốt núi” ở Kyoto
LỄ HỘI HOA ĐĂNG - "精霊流し" (Shoro Nagashi)

Đây là một sự kiện truyền thống được tổ chức tại tỉnh Nagasaki vào ngày 15 tháng 8 hàng năm để đưa linh hồn của những người đã khuất về thiên đường. Thay vì thả trôi ở sông, những gia đình tang quyến tổ chức Lễ Obon bằng việc kéo một chiếc thuyền thần lớn (có bánh xe) giống như một “đền thờ di động” và diễu hành quanh thành phố. Shoro Sagashi là một sự kiện lớn, nơi ngập tràn âm thanh từ những chiếc chuông được rung lên hòa cùng tiếng pháo.

Lễ hội hoa đăng trên đường phố Nagasaki

LỜI KẾT

Thực ra, có rất nhiều hình thức lễ hội Obon trên khắp Nhật Bản, đa dạng từ các sự kiện quy mô lớn thu hút hàng chục nghìn người đến các sự kiện nhỏ được tổ chức trong các tòa thị chính…

Nếu có dịp đến Nhật Bản, bạn hãy tham gia lễ hội Obon để hòa mình vào không khí nhộn nhịp và trải nghiệm nét đẹp truyền thống của xứ sở Phù Tang này nhé!

LỄ HỘI OBON – NÉT ĐẸP TRONG VĂN HÓA VÀ TRUYỀN THỐNG CỦA NHẬT BẢN
Tin Tức