THỦ TỤC ĐIỀU CHỈNH THUẾ CUỐI NĂM TẠI NHẬT BẢN
Nếu bạn là người đang đi làm cho các công ty tại Nhật Bản thì nhất thiết bạn cần nắm được các thủ tục cần phải làm vào thời điểm cuối năm. Vậy các thủ tục đó là gì? Và cần phải chuẩn bị những gì? Hãy cùng Funova tìm hiểu cách làm như thế nào để chúng ta có thể hoàn tất các thủ tục đó nhanh chóng mà không gặp vấn đề gì các bạn nhé!
1. Thủ tục điều chỉnh thuế thu nhập cuối năm (年末調整) là gì?
Như các bạn đã biết, đã đi làm ở Nhật Bản thì không thể tránh khỏi 2 loại thuế: thuế thu nhập (Income tax) và thuế cư trú (Resident tax).
※Với mọi tư cách lưu trú, theo quy định của luật thuế mới áp dụng từ tháng 1 năm 2023, khi làm điều chỉnh thuế cần thiết phải gửi 38 man/người phụ thuộc (chi tiết xem tại mục đối tượng được phép đăng ký làm người phụ thuộc)
Thuế thu nhập cá nhân là gì?
Thuế thu nhập cá nhân(hay còn gọi là income tax) là khoản thuế được tính theo mức lương hàng tháng của bạn, số tiền cần phải đóng sẽ căn cứ vào mốc quy định của nhà nước dành cho các mức lương tương ứng. Đối với du học sinh, thực tập sinh thuế sẽ được trừ vào lương. Sau khi trừ công ty sẽ báo cho các bạn biết thông qua bảng lương.
Đối với người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, thuế thu nhập cá nhân sẽ được quyết định bởi tình trạng cư trú.
※ Những người nước ngoài sống ở Nhật Bản dưới 1 năm được xếp vào đối tượng không lưu trú, do đó họ chỉ phải đóng thuế cho khoản thu nhập mà họ kiếm được tại Nhật Bản trong năm đó.
※Người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Nhật Bản trên 1 năm được phân ra thành 2 nhóm:
- Nhóm những người sinh sống tại Nhật dưới 5 năm.
- Nhóm những người sinh sống tại Nhật trên 5 năm.
- Cả 2 nhóm này đều được gọi là dân lưu trú, đối tượng này phải đóng thuế cho tất cả các nguồn thu nhập mà họ kiếm được trong phạm vi đất nước Nhật Bản.
Thuế thị dân là gì?
Thuế thị dân (Resident tax) còn được gọi là thuế cư trú.
Tiền thuế thị dân sẽ được dùng để phục vụ cho việc giáo dục, phúc lợi, xử lý rác thải, phòng chống thiên tai và các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương.
→ Phân biệt sự khác nhau giữa 2 loại thuế: Thuế thị dân (Resident tax) và thuế thu nhập (Income tax).
Thuế thu nhập( Income tax): Là thuế được tính dựa vào tổng thu nhập hàng năm của người lao động.
Thuế thị dân (Resident tax): Là thuế được tính dựa trên tổng thu nhập của năm trước đó.
Vì vậy, các bạn mới sang Nhật sẽ không phải đóng thuế thị dân trong năm đầu. Từ năm thứ 2 nếu thu nhập vượt mức quy định thì sẽ cần phải đóng thuế.
Do đó mà vào cuối năm, nếu công ty đang làm việc của các bạn không tiến hành thủ tục này cho các bạn, các bạn cần phải tự kê khai thuế của mình (đó gọi là thủ tục(確定申告)tại các chi cục thuế địa phương (税務署).
Vậy mục đích của việc điều chỉnh vào cuối năm này là gì?
Để xác nhận lại:
- Tình trạng người phụ thuộc của bạn.
- Các khoản được khấu trừ thuế khác như tiền bảo hiểm nhân thọ.
- Vì vậy trong thủ tục Điều chỉnh cuối năm bạn cần xác nhận được số người phụ thuộc, cùng các khoản được khấu trừ thuế phát sinh khác mỗi năm (như tiền phí y tế, tiền bảo hiểm nhân thọ,v.v..).
Ví dụ:
- Năm ngoái bạn đi làm chưa có ai phụ thuộc nhưng năm nay bố mẹ bạn về hưu không có thu nhập, hoặc chồng (vợ) của bạn có thu nhập thấp (hoặc không có thu nhập) bạn muốn cho những người đó vào dạng phụ thuộc, thì tình trạng phụ thuộc (người phụ thuộc) thực tế của bạn là những người đã nói trên đó!
- Các cơ quan thuế sẽ xem xét sự thay đổi người phụ thuộc của bạn để tổng kết số tiền thực tế mà bạn cần phải đóng. Do đó nếu các bạn muốn được giảm thuế thì chỉ có cách là cho bố (mẹ), vợ (chồng) của bạn vào diện phụ thuộc.
- Ngoài ra, đối với các bạn có con nhỏ đang cùng sống tại Nhật, giảm thuế này còn giúp tiền học của con ở nhà trẻ công giảm (bởi tiền học tính theo tiền thuế mà bố mẹ đang đóng).
2. Số tiền thuế phải đóng sẽ thay đổi thế nào sau khi điều chỉnh thuế cuối năm?
Tùy vào thu nhập của các bạn mà mức thuế phải đóng sẽ khác nhau, dẫn đến số tiền thuế được giảm sẽ có sự dao động khác nhau.
Ví dụ 1:
Lương tháng là 25 Man. Không có người phụ thuộc.
- Thuế thu nhập 1 tháng khoảng 5,200 yên,
- Thuế thị dân khoảng 9,508 yên.
- Thuế phải nộp trong 1 năm (chưa tính thưởng) = khoảng 17,7 Man.
Ví dụ 2:
Lương tháng là 25 Man. Có 2 người phụ thuộc (Gửi tiền cho bố và mẹ ở nhà).
- Thuế thu nhập 1 tháng khoảng 1,960 yên.
- Thuế thị dân khoảng 4,000 yên.
- Thuế phải nộp trong 1 năm (chưa tính thưởng) = khoảng 7 Man.
Như vậy có thể thấy rõ nếu đăng ký người phụ thuộc thì có thể giảm được một khoản tiền phải đóng khá nhiều.
3. Đăng ký người phụ thuộc như thế nào?
Vào cuối năm khi công ty sẽ đưa cho bạn những tờ giấy để ghi điều chỉnh cuối năm (年末調整) trong đó sẽ có 1 tờ gọi là “Tờ khai miễn cho người phụ thuộc của người có thu nhập từ việc làm, v.v.」 (Tờ khai xin giảm trừ thuế do có người phụ thuộc kinh tế vào mình)
Khi đó bạn cần điền vào tờ khai xin giảm trừ thuế do có người phụ thuộc kinh tế vào mình
Mẫu tờ khai:
① Phần bên trái ghi thông tin công ty (Thường phần này công ty ghi sẵn cho bạn) . Phần bên phải là để ghi tên, mã số cá nhân, ngày tháng năm sinh, địa chỉ của bạn.
A- Nếu bạn đi làm và đón vợ sang ở cùng, vợ bạn có thu nhập dưới 103 man/năm –> điền vào phần A (Màu tím) trong form.
B- Nếu bạn có gửi tiền về phụng dưỡng cho bố mẹ ở việt nam và thu nhập của bố mẹ bạn cũng dưới 103 man/ năm –> điền thêm thông tin của bố mẹ bạn vào phần B (Màu vàng) trong form.
C- Nếu bạn hoặc người phụ thuộc là người khuyết tật hoặc góa vợ, góa chồng hoặc là sinh viên đi làm thêm –> khoanh tròn vào vị trí tương ứng ở phần C (Màu xanh lá cây).
D- Điền thông tin về người có chung người phụ thuộc kinh tế được hoàn thuế như bạn vào phần D (Màu hồng). Ví dụ bạn và vợ đều đi làm, có một người con dưới 20 tuổi, thì chỉ một người được hoàn thuế (Hoặc chồng hoặc vợ).
E- Nếu người phụ thuộc kinh tế của bạn dưới 16 tuổi –> điền tên người phụ thuộc dưới 16 tuổi vào phần E (Màu xanh da trời).
- Đối tượng được phép đăng ký làm người phụ thuộc
- Theo quy định cũ áp dụng đến cuối năm 2022 thì những người từ 16 tuổi trở lên trong quan hệ 3 đời như bố mẹ ruột, bố mẹ vợ hoặc bố mẹ chồng, anh chị em ruột, anh chị em dâu sẽ thuộc diện được giảm thuế. Tuy nhiên từ tháng 1 năm 2023 quy định này đã thay đổi, đối tượng được làm giảm thuế phải là người thân ruột thịt trong phạm vi sáu đời, vợ hoặc chồng, họ hàng trong phạm vi 3 đời thuộc những độ tuổi như dưới đây:
– Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 30 tuổi.
– Người từ 70 tuổi trở lên.
– Người từ 30 tuổi trở lên đến dưới 70 tuổi thỏa mãn những điều kiện sau:
+ Người khuyết tật.
+ Người cần thiết phải được nhận trên 38 man để chi trả bổ sung thêm cho học phí hoặc sinh hoạt phí trong năm đó. - Trong luật không quy định giới hạn chỉ được đăng ký bao nhiêu người phụ thuộc tuy nhiên các bạn cần cân nhắc để đăng ký số lượng phù hợp với mức lương mình kiếm được. Ví dụ lương bạn chỉ có 15man một tháng nhưng lại có thể phụ cấp vợ con, bố mẹ hai bên thì chắc chắn sẽ bị nghi ngờ và có thể bị điều tra về nguồn thu nhập bạn kiếm được, ngoài ra nếu đăng ký quá nhiều người phụ thuộc cũng dễ bị liệt vào danh sách có ý đồ trốn thuế, và việc này sẽ ảnh hưởng đến kết quả xin visa của bạn những lần sau.
Lưu ý:
Nếu các bạn có ý định xin tư cách lưu trú vĩnh trú, bạn nên xem xét việc cho người thân vào diện phụ thuộc. Vì khi có người cần phụ thuộc có thể bạn sẽ gặp khó khăn trong việc có được xét duyệt tư cách định cư vĩnh trú tại Nhật hay không.
- Giấy tờ cần phải chuẩn bị
- Trường hợp bạn đăng ký bố mẹ phụ thuộc kinh tế vào mình, thì cần phải có thêm 2 giấy tờ chứng minh khác nộp kèm với bản khai trên.
- Bản sao giấy khai sinh hoặc hộ khẩu thường trú (nếu cẩn thận thì nên có dịch và công chứng) chứng minh mối quan hệ của bạn và bố mẹ.
- Giấy tờ chứng minh bạn có chuyển tiền về cho bố mẹ bạn do ngân hàng hoăc các công ty chuyển tiền phát hành (Hóa đơn, biên lai chứng nhận giao dịch chuyển tiền).
4. Chuyển tiền cho người phụ thuộc
- Từ tháng 1 năm 2023 trở đi cần gửi ít nhất 38 man cho mỗi người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 70 tuổi để được đăng ký làm người phụ thuộc giảm thuế. Những người từ 16 đến dưới 30 tuổi và những người trên 70 tuổi KHÔNG QUY ĐỊNH cần thiết phải gửi bao nhiêu tiền để trở thành đối tượng giảm thuế.
- Chuyển tiền bao nhiêu lần trong một năm cũng được và nên chuyển trước thời điểm bạn làm thủ tục điều chỉnh cuối năm. Vì khi nộp thủ tục, nếu không có các giấy tờ này thì cục thuế cũng sẽ yêu cầu bạn cung cấp bổ sung sớm nhất cho họ.
※Theo quy định mới bắt buộc phải chuyển riêng từng người và chỉ người nào có tên trên giấy chuyển nhận tiền thì mới được công nhận (như vậy thì bắt buộc cả bố và mẹ đều phải có tài khoản ngân hàng riêng).
Sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào tờ khai “Miễn cho người phụ thuộc của người có thu nhập từ việc làm, v.v. và chuẩn bị xong giấy tờ chứng minh như đã nêu trên. Bạn nộp lại cho công ty để làm thủ tục điều chỉnh cuối năm thì sẽ được hoàn lại 1 phần tiền thuế đã đóng dôi ra của năm trước (khi chưa khai người phụ thuộc).
Trên đây là những điều cần biết về thủ tục điều chỉnh thuế cuối năm, hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình làm hồ sơ.